Thứ Hai, 09/06/2025 Mới nhất Tin nóng
Trang chủ / Hàng hóa / Vàng và kim loại quý / Mở cửa sản xuất vàng miếng: Vì sao cần đảm bảo vốn điều lệ khủng?

Mở cửa sản xuất vàng miếng: Vì sao cần đảm bảo vốn điều lệ khủng?

Tác giả: tuancuong Ngày đăng: 2025-07-03
Mở cửa sản xuất vàng miếng: Vì sao cần đảm bảo vốn điều lệ khủng?

Mở cửa sản xuất vàng miếng: Vì sao cần đảm bảo vốn điều lệ khủng?

Trong bối cảnh ngân hàng đang tập trung vào tín dụng tiêu dùng, số hóa dịch vụ và quản trị vốn theo chuẩn Basel III, việc tham gia sâu vào thị trường vàng chỉ hấp dẫn với một số tổ chức lớn, có chiến lược rõ ràng và mong muốn đa dạng hóa dịch vụ tài chính.

Mở đường cho ngân hàng và doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng theo hướng thị trường hóa có kiểm soát, từng bước xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Theo đó, NHNN sẽ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Nhằm đảm bảo năng lực tài chính, khả năng đáp ứng thanh khoản, và quản trị rủi ro cho nhà sản xuất vàng miếng, yêu cầu đối với vốn điều lệ tối thiểu với doanh nghiệp thương mại vàng là trên 1,000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ trên 50,000 tỷ đồng.

Với cơ chế này, trên thị trường sẽ xuất hiện thêm các thương hiệu vàng miếng do các doanh nghiệp, ngân hàng đủ điều kiện và được NHNN cấp phép sản xuất.

Vì sao cần đảm bảo vốn điều lệ khủng?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, doanh nghiệp hay ngân hàng muốn tham gia “cuộc chơi” cần phải đảm bảo lượng vốn điều lệ lớn nhất định vì 2 lý do chính.

Thứ nhất, việc nhập khẩu vàng chính ngạch không thể thực hiện với khối lượng nhỏ lẻ như vài ký mà thường là hàng trăm ký, thậm chí hàng tấn vàng mỗi đợt nên đòi hỏi một nguồn vốn cực lớn để đảm bảo khả năng thanh toán và thực hiện các thủ tục nhập khẩu. Ngoài ra, các chi phí liên quan như bảo hiểm, vận chuyển, lưu kho… cũng chỉ hiệu quả khi thực hiện với quy mô lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng.

Thứ hai, khi một đơn vị sản xuất vàng miếng bán ra, phải có trách nhiệm mua lại vàng từ người tiêu dùng khi thị trường biến động, nhằm đảm bảo tính thanh khoản và uy tín của thương hiệu vàng miếng mà doanh nghiệp phát hành. Trong những thời điểm nhu cầu bán ra tăng cao, nếu doanh nghiệp không đủ nguồn lực để mua lại, sẽ dẫn đến tình trạng mất thanh khoản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường và lòng tin của người dân. Thực tế đã cho thấy, thậm chí một số tiệm vàng lớn cũng từng phải tạm ngưng giao dịch khi người dân ồ ạt bán ra.

Vì vậy, yêu cầu về vốn điều lệ lớn là điều kiện cần thiết để tránh các cuộc khủng hoảng không đáng có, đặc biệt là tham gia sản xuất vàng miếng.

Trước đây, một số ngân hàng thương mại từng tham gia kinh doanh vàng miếng, tuy nhiên hiện nay không nhiều ngân hàng còn mặn mà với lĩnh vực này. Lý do chính là biên lợi nhuận từ vàng miếng rất thấp, chỉ dao động khoảng 3-4%, thậm chí thấp hơn trong những thời điểm thị trường ổn định.

Bên cạnh đó, để được tham gia sản xuất và kinh doanh vàng miếng, ngân hàng cũng cần phải đầu tư hệ thống kỹ thuật, quản lý rủi ro, đội ngũ chuyên môn, trong khi lợi ích tài chính chưa tương xứng với chi phí bỏ ra.

Ngân hàng chỉ nên đóng vai trò trung gian, không nên trực tiếp tham gia sản xuất vàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đề xuất những doanh nghiệp hay ngân hàng phải đảm bảo đủ lượng vốn điều lệ mới được tham gia sản xuất và phân phối vàng miếng là điều hợp lý. Vốn điều lệ ở Việt Nam là thước đo đại diện cho năng lực tài chính và mức độ uy tín của doanh nghiệp. Sản xuất vàng lại là lĩnh vực đòi hỏi năng lực tài chính lớn để nhập khẩu, lưu trữ, phân phối lượng vàng có quy mô lớn, khả năng đảm bảo thanh khoản và đầu tư hệ thống kiểm định, máy móc, an ninh và vận hành chuẩn hóa.

Tuy nhiên, ông Hiếu không đồng tình với việc cho phép các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất vàng, vì ngân hàng là tổ chức tín dụng, chuyên về huy động vốn, cho vay và cung cấp dịch vụ tài chính. Việc tham gia sản xuất một loại hàng hóa phi tiền tệ như vàng không thuộc chức năng cốt lõi của ngân hàng. Đặc biệt, khi sản xuất vàng, có thể làm phân tán nguồn lực và mục tiêu hoạt động của ngân hàng, tạo thêm rủi ro trong vận hành, nhất là khi không có chuyên môn trong kiểm định, gia công, bảo quản vàng.

Các ngân hàng nếu muốn tham gia thị trường vàng, chỉ nên ở vai trò trung gian mua - bán vàng miếng, không nên trực tiếp sản xuất hoặc nhập khẩu.

Dù một số ngân hàng từng tham gia phân phối vàng, nhưng nếu như NHNN đưa ra những quy chuẩn cụ thể, có thể sẽ khuyến khích các ngân hàng lớn tham gia vào thị trường sản xuất vàng. Thế nhưng điều này sẽ lại tạo ra sự phân hóa và bất bình đẳng giữa các ngân hàng được phép tham gia sản xuất và kinh doanh vàng với các ngân hàng không đủ tiêu chí về vốn điều lệ, từ đó ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường.

Chọn lọc chủ thể có năng lực tài chính và uy tín

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi lại cho rằng, việc đưa ra các tiêu chuẩn vốn điều lệ nhất định đối với những doanh nghiệp/ngân hàng muốn tham gia sản xuất vàng không đơn thuần nhằm phân loại quy mô, mà thể hiện rõ định hướng chọn lọc chủ thể có năng lực tài chính vững mạnh, uy tín cao và đủ sức chịu đựng biến động lớn trên thị trường vàng.

Ngoài yếu tố tài chính, đây cũng là một “hàng rào kỹ thuật mềm” để tránh tình trạng mở rộng tràn lan, gây rủi ro cho hệ thống tài chính tiền tệ. Do đặc thù vàng là tài sản trú ẩn, có tính đầu cơ cao, dễ bị tác động bởi tâm lý và sự kiện toàn cầu, nên chỉ những tổ chức có năng lực quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ và hạ tầng công nghệ tiên tiến mới mong đảm bảo tính minh bạch và ổn định thị trường.

Tuy nhiên, nếu xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, các ngân hàng thương mại liệu có thực sự mặn mà tham gia? Câu trả lời không hoàn toàn tích cực. Dù một số ngân hàng đã từng có giấy phép kinh doanh vàng miếng trước đây, nhưng hiện nay, hầu hết đều không coi đây là mảng chiến lược. Lý do là biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao, chi phí vận hành lớn và quan trọng là thiếu công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro giá vàng. Trong bối cảnh ngân hàng đang tập trung vào tín dụng tiêu dùng, số hóa dịch vụ và quản trị vốn theo chuẩn Basel III, việc tham gia sâu vào thị trường vàng chỉ hấp dẫn với một số tổ chức lớn, có chiến lược rõ ràng và mong muốn đa dạng hóa dịch vụ tài chính.

Kiểm soát chất lượng, khối lượng vàng miếng là bài toán lớn

Cũng theo dự thảo, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và tình hình thị trường vàng trong từng thời kỳ để cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp được phép tham gia thị trường.

Doanh nghiệp sẽ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng và hàm lượng vàng trong sản phẩm. Chịu trách nhiệm pháp lý nếu sai lệch so với tiêu chuẩn đã công bố. Thêm vào đó, các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống thông tin nội bộ đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu giao dịch vàng miếng và kết nối cung cấp thông tin này cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Một điểm mới quan trọng khác là dự thảo quy định mọi giao dịch vàng miếng trên thị trường phải sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, nhằm đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động mua bán vàng, tránh giao dịch tiền mặt khó kiểm soát.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, khi mở rộng cho nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng, việc kiểm soát chất lượng và số lượng là bài toán lớn. Mỗi doanh nghiệp hay ngân hàng cần có một thương hiệu riêng, để đảm bảo nguồn cung không bị lạm phát và vẫn trong tầm kiểm soát.

Đối với chất lượng vàng miếng, NHNN và Cục Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với nhau trong khâu kiểm định, giám sát, thanh tra, nhằm ngăn chặn tình trạng vàng kém tuổi, vàng giả hoặc gian lận trọng lượng, tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy đánh giá, nếu thị trường được mở ra, vấn đề kiểm soát chất lượng và số lượng vàng nhập khẩu sẽ là thách thức lớn.

Để tránh kịch bản “vàng hóa trở lại”, NHNN nhiều khả năng có thể vẫn giữ quyền cấp định mức nhập khẩu, đồng thời áp dụng các công cụ hiện đại như mã hóa truy xuất nguồn gốc từng miếng vàng, quản lý tồn kho qua hệ thống điện tử, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và giám sát quy trình lưu thông bằng công nghệ số.

Song song đó, việc phát triển hệ thống phân phối chính thức, liên kết với các ngân hàng và tổ chức kiểm định độc lập cũng là một hướng đi cần thiết.

* Sẽ xóa độc quyền sản xuất vàng miếng

Thời tiết hôm nay

28°C
Hà Nội
Cao: 32°C Thấp: 24°C
Có mây, khả năng mưa nhỏ

Nổi bật trong ngày

Chứng khoán VN-Index tăng 1.2%

Thị trường chứng khoán khởi sắc

Dự án năng lượng xanh mới

Đầu tư 2 tỷ USD vào điện mặt trời

Cải cách giáo dục 2025

Chương trình mới áp dụng toàn quốc

Đăng ký nhận tin

Nhận tin tức mới nhất qua email

Từ khóa phổ biến

#Kinh tế #Chính trị #Thể thao #Giải trí #Công nghệ #Sức khỏe #Du lịch #Giáo dục

Thống kê nhanh

USD/VND 24.350 ↑
Vàng SJC 76.5 triệu ↑
VN-Index 1.245 ↑
Xăng RON95 22.050đ →