Thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới không chỉ đơn thuần là "bơm vàng"
Giải quyết bài toán chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không chỉ đơn thuần là “bơm vàng” vào thị trường. Việc sửa đổi Nghị định 24 là cơ hội thiết lập lại “luật chơi” minh bạch, hiện đại và thị trường hơn.
Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng
Nguồn: Chúng tôiFinance
|
Khi căng thẳng Israel - Iran leo thang thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn, với việc các thị trường theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong khu vực này, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất chính sách của năm, đã thúc đẩy giá vàng thế giới tăng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/06, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.5% lên 3,384.59 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0.4% lên 3,400.70 USD/oz.
Trong nước, sáng ngày 24/06/2025, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết ở mức 117.7-119.7 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán, gần như đi ngang từ giữa tháng 4 đến nay. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank 26,200 VND/USD, giá vàng miếng trong nước đang chênh lệch với thế giới hơn 13.5 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng miếng trong nước 1 tháng qua
![]() Nguồn: Giavangvietnam
|
Theo báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các giải pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng thời gian qua và sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp.
Đến cuối năm 2024, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp, chỉ còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, chênh lệch này đã giảm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng. Thậm chí, nhiều thời điểm, giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới có xu hướng tăng cao do nhiều nguyên nhân như: Tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ, xung đột chính trị thế giới căng thẳng. Đáng chú ý, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi,...
NHNN nhìn nhận, mặc dù thị trường đang có những biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng nhưng những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền khi cần thiết.
Giải pháp thu hẹp chênh lệch hiệu quả nhất là tăng cung
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, hiện nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có lúc lên đến vài triệu đồng mỗi lượng. Trong khi giá vàng thế giới tăng theo yếu tố địa chính trị và kinh tế toàn cầu, thì giá trong nước lại có phần “bất thường” do nguồn cung hạn chế và độc quyền sản xuất.
Để thu hẹp khoảng cách này, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cung. Khi nguồn cung vàng miếng trong nước dồi dào, thông qua nhập khẩu chính ngạch và mở rộng nhà sản xuất, thì thị trường sẽ vận hành theo quy luật cung cầu, từ đó giá vàng trong nước sẽ tiệm cận với giá thế giới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đồng quan điểm khi cho rằng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới từng lên tới 20 triệu đồng/lượng, nay đã giảm về mức khoảng 7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức chênh lệch này vẫn cao và cần có giải pháp để tiệm cận hơn với giá thế giới.
Hai điều kiện để thị trường vàng trong nước “liên thông” với thế giới. Thứ nhất, nguồn cung vàng trong nước phải dồi dào và ổn định, thông qua nhập khẩu chính ngạch và đa dạng nhà sản xuất.
Thứ hai, thị trường vàng trong nước cần có cơ chế kết nối với thị trường quốc tế, như thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, có liên kết kỹ thuật và thanh khoản với các sàn vàng lớn trên thế giới, tăng cường công khai dữ liệu, giá cả và giao dịch.
Việc vận hành theo cơ chế “bình thông nhau” sẽ giúp thị trường trong nước phản ánh sát giá vàng thế giới. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một mức chênh lệch hợp lý, khoảng 3-5 triệu đồng/lượng, do chi phí vận chuyển, thuế, bảo hiểm và các yếu tố nội địa.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, về mặt mục tiêu chính sách, NHNN mong muốn thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng giá vàng quốc tế chịu ảnh hưởng từ các yếu tố phức tạp như lạm phát toàn cầu, lãi suất của Fed, bất ổn địa chính trị và dòng vốn trú ẩn. Việc giảm chênh lệch không thể chỉ bằng biện pháp hành chính, mà cần mở rộng nguồn cung, thúc đẩy cạnh tranh, tài chính hóa lượng vàng trong dân thông qua phát triển tài khoản vàng, sàn vàng quốc gia và các công cụ phái sinh vàng có kiểm soát.
Gần đây, NHNN cũng đã đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh thị trường vàng, trong đó cho phép các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đáp ứng đủ điều kiện vốn điều lệ để tham gia sản xuất, kinh doanh vàng.
Giải quyết bài toán chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không chỉ đơn thuần là “bơm vàng” vào thị trường. Việc sửa đổi Nghị định 24 là cơ hội thiết lập lại “luật chơi” minh bạch, hiện đại và thị trường hơn. Nếu được thiết kế cẩn trọng, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối, đây sẽ là nền tảng để quản lý vàng như một phần của hệ thống tài chính quốc gia, thay vì chỉ là hàng hóa cất trữ.
Thị trường vàng cần vận hành hiệu quả nhưng không tạo ra áp lực bất ổn cho tỷ giá, lãi suất, và mục tiêu điều hành vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào chu kỳ mới nhiều biến động và không chắc chắn.